Cắm sạc điện thoại qua đêm có lãng phí điện năng?
Theo giáo sư David MacKay đến từ đại học Cambridge, nếu bạn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không dùng đến, trong vòng 1 năm như thế bạn sẽ tiết kiệm được lượng điện đủ để làm nước nóng xả đầy 1 bồn tắm. Hay nói cách khác, việc để phích sạc trong ổ cắm điện cũng không tốn điện là bao. Ông ví von, "Tiết kiệm điện bằng cách ngắt sạc ra khỏi ổ điện cũng giống như việc dùng thìa cafe mà tát nước ra khỏi tàu Titanic đang đắm vậy". Còn khi bạn cắm điện thoại vào sạc, lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên gấp 10 lần, tuy nhiên mức đó vẫn còn thấp lắm.
Theo một nghiên cứu vào năm 2012 của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, việc để nguyên phích cắm sạc vào ổ điện làm tiêu tốn 0,26 Watt. Khi một chiếc điện thoại được cắm vào sạc, lượng điện tiêu thụ trung bình tăng lên 3,68 Watt. Và khi điện thoại được nạp đầy pin, con số đó giảm còn 2,24 Watt. Đối với hộ gia đình trung bình, nghiên cứu cho thấy chi phí trung bình để sạc 1 chiếc điện thoại trong vòng 1 năm là 5,3 USD.
Vậy còn việc sạc điện thoại qua đêm thì sao? Thật ra, điều này không tốt cho pin của điện thoại nếu cứ cắm sạc trong 1 thời gian dài sau khi pin đã nạp đầy. Thói quen này có thể dẫn đến việc bạn phải thay pin sớm cho chiếc điện thoại của mình. Đa số các smartphone hiện nay đều sử dụng loại pin Lithium ion, đây là loại pin không nên để sạc quá lâu sau khi đã nạp đầy.
Để tối ưu tuổi thọ pin, các chuyên gia cho rằng người dùng nên sử dụng pin trong khoảng thời gian ngắn, sau đó lại cắm vào sạc cũng trong khoảng thời gian ngắn. Điều này giống như bạn để cho pin "cuốc bộ" 1 quãng đường ngắn thay vì ép nó phải chạy nước rút đường dài.